Kinh tế Tây_Ban_Nha

Bài chi tiết: Kinh tế Tây Ban Nha
Tây Ban Nha là một thành viên của Khu vực Schengen, Khu vực đồng euro và Thị trường chung châu Âu.

Tây Ban Nha có nền kinh tế hỗn hợp tư bản chủ nghĩa, là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới theo GDP danh nghĩa vào năm 2016, và cũng nằm vào nhóm lớn nhất thế giới theo GDP PPP. Tây Ban Nha là một thành viên của Liên minh châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, và Tổ chức Thương mại Thế giới. Kinh tế Tây Ban Nha đứng thứ năm trong Liên minh châu Âu, sau Đức, Anh, Pháp và Ý xét theo GDP danh nghĩa. Năm 2012, Tây Ban Nha là nước xuất khẩu lớn thứ 12 trên thế giới và là nước nhập khẩu lớn thứ 16. Tây Ban Nha được xếp hạng 27 về chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015 và đứng thứ 33 về GDP PPP đầu người theo Ngân hàng Thế giới vào năm 2016, được phân loại là một nền kinh tế thu nhập cao và nằm trong số quốc gia phát triển con người rất cao. Theo The Economist, Tây Ban Nha có chất lượng sinh hoạt cao thứ mười thế giới vào năm 2016.[84] Các điểm yếu kinh niên của kinh tế Tây Ban Nha gồm có kinh tế phi chính thức lớn,[85][86][87] và hệ thống giáo dục bị OECD xếp vào hạng kém nhất trong các quốc gia phát triển.[88] Tây Ban Nha có mức thất nghiệp 18,6% trong quý 4 năm 2016[89] Các thị trường xuất khẩu chính của Tây Ban Nha vào năm 2015 là Pháp, Đức, Ý, Anh, Bồ Đào Nha;[90]Tây Ban Nha nhập khẩu nhiều nhất từ Đức, Pháp, Trung Quốc, Ý, Hà Lan trong cùng năm[91].

Trong giai đoạn 1959-1974, Tây Ban Nha có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai thế giới sau Nhật Bản. Bùng nổ kinh tế kết thúc do khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970 và bất ổn định chính phủ trong quá trình chuyển giao sang chế độ dân chủ sau khi Franco mất vào năm 1975. Đến giữa thập niên 1990, kinh tế Tây Ban Nha khôi phục tăng trưởng sau khi bị tàn phá do khủng hoảng toàn cầu vào đầu thập niên 1990. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ giúp chính phủ giảm nợ công xét theo tỷ lệ GDP và tỷ lệ thất nghiệp cao của Tây Ban Nha bắt đầu giảm đều đặn. Do ngân sách chính phủ cân bằng và lạm phát được kiểm soát, Tây Ban Nha được nhận vào Khu vực đồng euro vào năm 1999.

Sau khủng hoảng tài chính 2007–08, kinh tế Tây Ban Nha lâm vào suy thoái, bước vào một chu kỳ kinh tế vĩ mô tiêu cực. So với mức bình quân của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, kinh tế Tây Ban Nha bước vào suy thoái muộn hơn (kinh tế vẫn tăng trưởng đến năm 2008), song thời gian suy thoái lâu hơn. Bùng nổ kinh tế trong thập niên 2000 bị đảo ngược, khiến hơn một phần tư lực lượng lao động thất nghiệp vào năm 2012. Về tổng thể, GDP của Tây Ban Nha giảm gần 9% trong giai đoạn 2009-2013.[92] Tình hình kinh tế bắt đầu cải thiện vào năm 2013-2014, quốc gia này nỗ lực đảo ngược mức thâm hụt thương mại kỷ lục xảy ra vào những năm bùng nổ kinh tế[93] đạt được thặng dư mậu dịch vào năm 2013 sau ba thập kỷ thâm hụt.[93] Mức thặng dư được tăng cường trong các năm 2014 và 2015.[94] Năm 2015, GDP của Tây Ban Nha tăng trưởng 3,2%, mức cao nhất kể từ năm 2007;[95] và là mức cao nhất trong năm của các nền kinh tế lớn trong EU.[96] Chỉ trong hai năm (2014-2015), kinh tế Tây Ban Nha đã khôi phục 85% GDP bị mất trong suy thoái 2009-2013,[97] khiến một số nhà phân tích xem sự phục hồi hiện tại của Tây Ban Nha là nỗ lực cải cách cấu trúc.[98] Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cũng diễn ra vào năm 2016, với mức tăng trưởng cao gấp đôi so với trung bình của khối đồng tiền chung euro.[99] Kinh tế Tây Ban Nha được dự báo duy trì thành tích tốt nhất trong số các nền kinh tế lớn của khối này vào năm 2017.[100]

Tòa nhà Torre Agbar tại Barcelona

Kể từ thập niên 1990, một số công ty Tây Ban Nha đạt được vị thế đa quốc gia, thường mở rộng hoạt động của họ tại khu vực Mỹ Latinh vốn có quan hệ mật thiết về văn hoá. Tây Ban Nha là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại khu vực này vào năm 2009, sau Hoa Kỳ. Các công ty Tây Ban Nha cũng mở rộng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.[101] Việc mở rộng ra toàn cầu từ sớm giúp Tây Ban Nha có lợi thế cạnh tranh với các đối thủ và các quốc gia châu Âu lân cận. Nguyên nhân của việc mở rộng từ sớm này là bùng nổ quan tâm về ngôn ngữ và văn hoá Tây Ban Nha tại châu Á và châu Phi, và văn hoá doanh nghiệp Tây Ban Nha đã học được cách chấp nhận rủi ro tại các thị trường bất ổn.Các công ty Tây Ban Nha đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại hoá năng lượng tái tạo (Iberdrola là nhà khai thác năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới[102]), các công ty công nghệ như Telefónica, Abengoa, Mondragon Corporation, Movistar, Hisdesat, Indra, các nhà sản xuất tàu hoả như CAF, Talgo, các công ty toàn cầu như công ty dệt may Inditex, các công ty dầu mỏ như Repsol, và sáu trong số mười hãng xây dựng chuyên về giao thông lớn nhất thế giới vào năm 2009 là của Tây Ban Nha, như Ferrovial, Acciona, ACS, OHLFCC.[103]

Nông nghiệp

Trong số các quốc gia Liên minh châu Âu, Tây Ban Nha xếp thứ hai sau Pháp về tỷ lệ đất dành cho mục đích nông nghiệp.[104] Các khu vực trồng trọt được canh tác theo hai cách thức đa dạng cao độ. Các khu vực dựa vào canh tác không tưới nước (secano) chiếm 85% toàn bộ diện tích trồng trọt, chỉ dựa vào mưa làm nguồn nước. Chúng gồm các khu vực ẩm tại miền bắc và tây bắc, cũng như các vùng khô hạn rộng lớn không có hệ thống tưới tiêu. Các khu vực có năng suất hơn nhiều là canh tác có tưới nước (regadío), chiếm khoảng 3 triệu ha vào năm 1986, tăng gấp đôi từ năm 1950. Đặc biệt đáng chú ý là phát triển tại Almería—một trong các tỉnh khô hạn và hoang vắng nhất đất nước, các cây trồng rau quả vụ đông tại đây hiện được xuất khẩu sang châu Âu.Trên một nửa diện tích được tưới nước trồng ngô, cây ăn quả, và các loại rau. Các nông sản khác hưởng lợi từ hệ thống tưới tiêu là nho, bông, củ cải đường, khoai tây, đậu, ô liu, xoài, dâu tây, cà chua và cỏ chăn nuôi. Tuỳ theo tính chất của cây trồng, có thể thu hoạch hai vụ liên tiếp trong một năm. Các loại quả họ cam chanh là nông sản xuất khẩu hàng đầu của Tây Ban Nha. Do gia tăng tập trung vào chăn nuôi, Tây Ban Nha trở thành quốc gia nhập khẩu thuần về lương thực có hạt, để làm thức ăn gia súc.

Du lịch

Benidorm là một trong các địa điểm du lịch ven biển lớn nhất tại Tây Ban Nha

Du lịch là một ngành có đóng góp lớn cho kinh tế Tây Ban Nha, chiếm khoảng 11% GDP.[105] Kể từ thập niên 1960 và 1970, Tây Ban Nha là một điểm đến phổ biến trong các ngày nghỉ mùa hè, đặc biệt là có lượng lớn du khách từ Anh, Pháp, Đức và các quốc gia Benelux. Nhờ đó, ngành du lịch Tây Ban Nha phát triển đến vị trí hàng đầu thế giới.[106] Năm 2016, Tây Ban Nha có lượng du khách ngoại quốc đông thứ ba thế giới, với 75,3 triệu lượt, là năm thứ tư liên tiếp phá kỷ lục.[107] Tây Ban Nha đứng hạng nhất trong số 136 quốc gia theo chỉ số cạnh tranh lữ hành và du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới,[108] giữ vững thứ hạng từ năm 2015.[109]

Các khu nghỉ dưỡng và bãi biển mùa hè là loại hình du lịch đầu tiên được phát triển tại Tây Ban Nha, và đến nay chúng tạo ra thu nhập lớn nhất cho kinh tế quốc gia. Khí hậu ôn hoà quanh năm và các bãi biển cát trải dài ven Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, cũng như hai quần đảo Baleares và Canaria thu hút du khách phía bắc châu Âu trong nhiều thập niên qua. Thị trường hàng đầu của du lịch bãi biển Tây Ban Nha là Anh, Đức và Pháp.[110][111] Các bãi biển nổi tiếng nhất tại đại lục Tây Ban Nha nằm ven Địa Trung Hải. Costa Brava, Costa Daurada và Costa del Maresme, tại Cataluña rất phổ biến với du khách Pháp và nội địa Tây Ban Nha với các khu nghỉ dưỡng nổi bật là Salou và thành phố Barcelona. Tại Valencia có Costa Blanca, nơi này cực kỳ phổ biến đối với du khách Anh và Đức, Benidorm là thành phố mùa hè hàng đầu tại Tây Ban Nha. Một số điểm đến mùa hè nổi tiếng thế giới, như Marbella tại tỉnh MálagaSotogrande tại tỉnh Cádiz. Thành phố Málaga là một điểm đến thuộc Costa del Sol và cũng là một trong các bến cảng lớn nhất Tây Ban Nha, thường xuyên đón các tàu du lịch. Quần đảo Baleares tại Địa Trung Hải và quần đảo Canaria tại Đại Tây Dương cũng là các điểm đến rất phổ biến đối với người Tây Ban Nha và châu Âu. Ngoài du lịch mùa hè, các phương thức khác như du lịch văn hoá và kỷ niệm hay thể thao giải trí cũng được phát triển tại các khu vực này, như các thành phố nổi tiếng BarcelonaValencia.

Do là giao điểm của nhiều nền văn minh, Tây Ban Nha có nhiều thành thị lịch sử, các điểm đến chính trước hết là hai thành phố lớn MadridBarcelona, cũng là hai điểm đến hàng đầu châu Âu. 13 thành phố tại Tây Ban Nha đã được công nhận là di sản thế giới UNESCO:[112] Alcalá de Henares, Ávila, Cáceres, Córdoba, Cuenca, Ibiza, Mérida, Salamanca, San Cristóbal de La Laguna, Santiago de Compostela, Segovia, TarragonaToledo. Đến năm 2017, Tây Ban Nha có tổng cộng 46 di sản thế giới, đứng thứ ba sau Ý và Trung Quốc.[113] Các điểm đến hạng nhất khác là Sevilla, Granada, Santander, Oviedo, Gijón, BilbaoSan Sebastián.

Tây Ban Nha là địa phương quan trọng đối với Công giáo La Mã, một số thánh địa linh thiêng nhất của Giáo hội Công giáo nằm tại Tây Ban Nha: Thành phố Santiago de Compostela tại Galicia là địa điểm linh thiêng thứ ba sau Thành VaticanJerusalem. Thành phố cũng là điểm cuối của Con đường Thánh Jacobe. Santo Toribio de Liébana thuộc vùng CantabriaCaravaca de la Cruz thuộc vùng Murcia cũng là các địa điểm linh thiêng của Cơ Đốc giáo. Các địa phương này thu hút người hành hương và du khách từ khắp thế giới.

Năng lượng

Các tua bin gió tại Cádiz, Tây Ban Nha là nước có công suất lắp đặt năng lượng gió lớn thứ năm thế giới vào năm 2015 [114]

Theo The World Factbook, vào năm 2011 Tây Ban Nha sản xuất 276,8 TWh điện, và tiêu thụ 249,7 TWh điện trong cùng năm. Trong những năm gần đây, Tây Ban Nha đầu tư lớn vào ngành năng lượng tái tạo với mục tiêu là mức phát thải cácbon bằng không trước năm 2050. Theo REE, vào tháng 3 năm 2015 đại lục Tây Ban Nha sản xuất 69% điện năng từ các công nghệ tạo ra phát thải cácbon bằng không, gồm năng lượng tái tạo cùng với một số năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân cung cấp 23,8% điện năng cho toàn quốc vào tháng 3, còn 47% đến từ các nguồn tái tạo. Hầu hết điện năng từ nguồn tái tạo được sản xuất tại Tây Ban Nha là từ gió, và theo REE từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2015, năng lượng gió chiếm 23,7% sản xuất điện năng trong khi năng lượng hạt nhân chiếm 22,7%.[115]

Tây Ban Nha là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển và sản xuất năng lượng tái tạo. Năm 2010, Tây Ban Nha đứng đầu thế giới về năng lượng Mặt trời khi vượt qua Hoa Kỳ do có nhà máy năng lượng khổng lồ mang tên La Florida.[116][117] Tây Ban Nha cũng là nước sản xuất năng lượng gió chủ chốt của châu Âu, vào năm 2010 các tua bin gió tại đây sản xuất 42,976 GWh điện, chiếm 16,4% tổng lượng điện năng sản xuất tại Tây Ban Nha.[118][119][120] Ngày 9 tháng 11 năm 2010, năng lượng gió đạt đỉnh cao lịch sử tức thời khi chiếm 53% nhu cầu điện năng của đại lục Tây Ban Nha[121] và phát ra lượng điện năng tương đương với của 14 lò phản ứng hạt nhân.[122] Các nguồn năng lượng tái tạo khác tại Tây Ban Nha là thuỷ điện, sinh khối và hải dương.[123] Các nguồn năng lượng không tái tạo được sử dụng tại Tây Ban Nha là hạt nhân (tám lò phản ứng đang hoạt động), khí đốt, than đá, dầu mỏ. Các nhiên liệu hoá thạch sản xuất 58% lượng điện năng của Tây Ban Nha vào năm 2009, dưới mức bình quân của OECD là 61%.[124]

Giao thông

Tàu cao tốc AVE của Tây Ban Nha có tốc độ lên đến 310 km/h[125]

Hệ thống đường bộ Tây Ban Nha chủ yếu do trung ương quản lý, với sáu đường cao tốc liên kết Madrid đến xứ Basque, Cataluña, Valencia, Tây Andalucía, Extremadura và Galicia. Ngoài ra, còn có các đường cao tốc dọc bờ biển Đại Tây Dương (Ferrol đến Vigo), Cantabria (Oviedo đến San Sebastián) và Địa Trung Hải (Girona đến Cádiz). Tây Ban Nha đặt mục tiêu một triệu ô tô điện trên đường vào năm 2014, nằm trong kế hoạch của chính phủ nhằm tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.[126]

Tây Ban Nha có mạng lưới đường sắt cao tốc quy mô nhất tại châu Âu, và đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.[127][128] Tính đến tháng 10 năm 2010, Tây Ban Nha có tổng cộng 3.500 km đường ray cao tốc, liên kết Málaga, Sevilla, Madrid, Barcelona, ValenciaValladolid, với các đoàn tàu đạt tốc độ lên tới 300 km/h. Tính theo trung bình toàn hệ thống vào năm 2010, đường sắt cao tốc AVE của Tây Ban Nha nhanh nhất thế giới, tiếp theo là Shinkansen của Nhật Bản và TGV của Pháp.[129] Về tính đúng giờ, đường sắt cao tốc Tây Ban Nha xếp hạng nhì thế giới sau Nhật Bản.[130] Nếu đạt được mục tiêu tham vọng của chương trình AVE (đường sắt cao tốc Tây Ban Nha), đến năm 2020 Tây Ban Nha sẽ có 7.000 km đường sắt cao tốc liên kết hầu như toàn bộ các thành phố cấp tỉnh đến Madrid trong vòng dưới ba tiếng và đến Barcelona trong vòng dưới bốn tiếng.

Tây Ban Nha có 47 sân bay công cộng, bận rộn nhất là Madrid-Barajas với hơn 50 triệu hành khách vào năm 2016, đứng thứ 25 thế giới và đứng thứ 5 tại châu Âu. Barcelona-El Prat cũng là một sân bay quan trọng, phục vụ hơn 44 triệu lượt hành khách vào năm 2016, đứng thứ 33 thế giới. Các sân bay quan trọng khác có trên 10 triệu hành khách nằm tại Majorca, Málaga, Las Palmas (Gran Canaria), Alicante, các sân bay khác có lượng hành khách từ 4-10 triệu hành khách. Ngoài ra, có trên 30 sân bay có dưới 4 triệu hành khách.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tây_Ban_Nha http://www.ucalgary.ca/applied_history/tutor/eurvo... http://www.airbus.com/en/presscentre/pressreleases... http://www.army-technology.com/features/feature129... http://www.bank-holidays.com/holidays_2007_58.htm http://www.britannica.com/EBchecked/topic/557573/S... http://www.channel4.com/history/microsites/H/histo... http://www.city-data.com/forum/attachments/weather... http://edition.cnn.com/2006/WORLD/europe/06/18/cat... http://www.demographia.com/db-worldua.pdf http://www.dw.com/en/spain-logs-record-number-of-t...